Bỏ túi các lưu ý cho 10 bài thi sa hình bằng lái xe hạng C 1

Ôn thi GPLX hạng C tại TT Giáo dục nghề nghiệp Thái Việt

Ôn thi sa hình hạng C là nội dung quan trọng, bắt buộc, nằm trong bài thi thực hành bằng lái xe ô tô. Để vượt qua được nó một cách dễ dàng, thí sinh có thể tham khảo những “mẹo” thông minh dưới đây.

Theo quy định hiện nay, sa hình dành cho bằng hạng C bao gồm 11 bài sát hạch. Thí sinh phải điều khiển xe và thực hiện các nội dung khác nhau trong thời gian 20 phút. Để vượt qua thành công, cần phải có số điểm đạt 80/100. 

Bài thi số 1: Xuất phát

Xe dừng ở vạch xuất phát – nổ máy – vào số 1 và bật xi-nhan trái. Sau khi có tín hiệu “xuất phát” thí sinh bắt đầu xuất phát, khi nghe tiếng “tinh tinh” thì mới được tắt xi-nhan. Trong trường hợp không bật hoặc quên tắt xi-nhan, thí sinh sẽ bị trừ điểm. 

Tính từ thời điểm có tín hiệu “xuất phát” nếu sau 30 giây mà thí sinh vẫn không điều khiển được xe vượt qua vạch  thì sẽ bị loại trực tiếp.

Lưu ý: Ở bài thi này, không nên nhả côn quá nhanh sẽ dễ khiến xe bị tắt máy. Đồng thời, không quên bật và tắt xi-nhan trái.

Bài thi số 2: Dừng xe nhường đường cho người đi bộ

Bài thi dừng xe nhường đường cho người đi bộ không yêu cầu người thi phải thực hiện nhiều thao tác phức tạp. Thí sinh chỉ cần dừng xe sao cho 2 bánh trước nằm giữa 2 vạch. Sau khi dừng xe xong, nhả côn để cho xe đi tiếp. 

Lưu ý: Nếu không dừng xe trước vạch quy định hoặc ngoài phạm vi dừng quy định, thí sinh sẽ bị trừ điểm. Bên cạnh đó, không được phép dừng xe quá 30 giây.

Bài thi số 3: Dừng và khởi hành xe ngang dốc

Đây là phần thi “ác mộng” của nhiều người khi rất dễ bị loại. Nếu lên dốc mà cắt côn sớm thì xe sẽ tuột lại, khi tới vạch dừng thì cắt côn và thắng phanh ngay. Sau đó nhả côn nhẹ và thấy xe rung thì nhả thắng đạp ga lên. 

Trong trường hợp cảm thấy không chắc tay, thí sinh có thể sử dụng mẹo “dừng non” tuy bị trừ điểm nhưng có thể hạn chế bị loại. Tuy nhiên, không được dừng trước quá 50cm.

Lưu ý: Sau khi quá thời gian 30 giây nhưng vẫn không qua được dốc thì sẽ bị loại.

Bài thi số 4: Qua vệt bánh xe và đường hẹp vuông góc

Với bài thi qua vệt bánh xe và đường hẹp vuông góc, thí sinh cần xác định đúng làn đường dành cho lái xe hạng C. Nếu đi không đúng vào làn B sẽ bị loại. Trước khi đi vào vệt bánh xe, cần lưu ý đi đè lên vệt kiểm tra. 

Lưu ý: Giữ vô lăng thật thẳng, không được đi chéo vì bánh xe sẽ dễ đè lên vạch. Sau khi xe qua vạch thì mới đánh lái để bánh sau không đè lên vạch.

Đối với bài đường hẹp vuông góc, khi phần vai ngang với góc rẽ thì đánh lái ngay, đánh lái bên nào thì nhìn kính bên đó.

Bài thi số 5: Qua ngã tư có tín hiệu điều khiển giao thông

Khi đến cột đèn tín hiệu thí sinh điều khiển xe dừng lại trước vạch vào bài thi. Cần dừng lại trước vạch vàng 1m rồi cắt côn. Chờ đèn đỏ còn khoảng 2 giây thì nhả côn từ từ rồi đi tiếp.

Lưu ý: Nếu đèn xanh còn 3 – 4 giây thì không được đi vì khi xuất hiện đèn đỏ mà xe vẫn chưa qua vạch, thí sinh sẽ bị trừ 10 điểm.

Bài thi số 6: Đường vòng quanh co

Bài thi đường vòng quanh co cần thực hiện theo quy tắc “Tiến bám lưng – lùi bám bụng”. Người thi phải hoàn thành trong thời gian quy định. Đồng thời, thí sinh cũng cần xác định đúng làn đường dành cho sa hình C. 

Lưu ý: Thí sinh cần đánh tay lái phải nhanh và đúng thời điểm. Nếu chạm vạch sẽ bị trừ 5 điểm.

Bài thi số 7: Ghép xe dọc vào nơi đỗ

Ghép xe dọc vào nơi đỗ cũng là bài dễ gây trượt nhất cho người thi. Thí sinh phải hoàn thành bài thi này trong thời gian quy định. Mỗi lần chạm vạch sẽ bị trừ 5 điểm. Trong quá trình lùi chuồng nhưng chưa có tín hiệu kiểm tra mà đã cho xe ra thì người thi sẽ bị loại.

Lưu ý: Nếu xe trước đang thực hiện bài thi thì thí sinh phải dừng trước vạch vàng. Nếu cho xe vượt vạch vàng nghĩa là đã vào bài thi và bắt đầu tính thời gian. Thí sinh cần đợi cho xe trước ra khỏi bài thi thì mới tiến vào làm bài.

Khi thực hiện bài thi, thí sinh căn bằng gương trái, khi đến giữa chuồng thì đánh vô lăng phải đến khi nhìn gương trái thấy cửa chuồng thì trả vô lăng về bên trái.

Để lùi vào chuồng, thí sinh phải căn qua gương và điều khiển sao cho đuôi xe không bám quá sát vào góc cửa chuồng, cách tầm 20 – 30cm là phù hợp nhất. Khi xe vào đến cửa chuồng thì đánh vô lăng trái đến khi thấy xe song song với thân chuồng thì trả lái phải.

Khi nghe tiếng báo “Ting” thì thắng xe lại, nếu không thí sinh sẽ bị đánh trượt. Nếu xe bị lệch trái hoặc phải nhiều thì tiến lên rồi chỉnh lại. Đồng thời, cần phải căn chỉnh thời gian hợp lý.

Bài thi số 8:  Dừng xe chỗ có đường sắt chạy qua

Ở bài thi dừng xe chỗ có đường sắt chạy qua, thí sinh không dừng sẽ bị loại trực tiếp. Nếu dừng xe trong vạch hoặc quá vạch sẽ bị trừ điểm. Khi có tín hiệu đi tiếp mới được đi.

Bài thi số 9: Thay đổi số trên đường thẳng

Khi có tín hiệu bắt đầu thì cho xe di chuyển bình thường đến vị trí có biển tăng số mới được tăng lên số 2. Khi đến vị trí có biển báo mới được tăng tốc. Tại thời điểm qua biển báo tối thiểu 20km/h, tốc độ trên xe phải trên 20 km/h và đang ở số 2. Nếu biển báo tốc độ tối đa 20km/h, tốc độ trên xe phải dưới 20 km/h và xe phải ở số 1.

Lưu ý: Nếu lúc qua biển báo mà xe đang ở số 1 và đạp côn thì hệ thống sẽ ghi nhận xe đang đề số n, thí sinh sẽ bị trừ điểm.

Bài thi số 10: Bài thi kết thúc

Bài thi kết thúc yêu cầu thí sinh phải bật xi-nhan phải. Khi qua vạch về đích thì dừng xe, kéo phanh tay và dừng lại. Đợi đến lúc máy báo đậu hoặc bánh xe sau qua hết vạch mới tính là hoàn thành bài thi. Nếu quá tổng thời gian 20 phút làm bài, thí sinh sẽ bị loại.

Lưu ý: Bài thi xử lý tình huống khẩn cấp

Trong nội dung thi sa hình sẽ có 1 bài xử lý tính huống khẩn cấp. Bài thi này sẽ xuất hiện với thời điểm ngẫu nhiên, đòi hỏi người làm bài cần bình tĩnh để xử lý. Khi có tín hiệu còi và đèn nháy thì lập tức dừng xe và bật đèn báo sự cố. Đến lúc có tín hiệu đi tiếp thì đợi vài giây rồi mới tắt đèn báo và cho xe đi tiếp. Thí sinh không bị trừ điểm khi tắt muộn vài giây nhưng nếu tắt sớm sẽ bị trừ điểm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *